Văn Học Nhật với tôi :)

 một entry mình đã viết từ thời yahoo 360 chắc năm 2006 hay 2007

ảnh là phòng mình vào tháng 04/2021: mang tính minh họa về việc đọc :D




Văn học Nhật với Tôi :)

 Lấy tựa thế thôi, chứ thực ra tôi mới chỉ đọc truyện của 3 tác giả: Kawabata Yasunari (11/6/1899 - 16/4/1972), Murakami Haruki (1949), Banana Yoshimoto(1964). Mỗi tác giả là một điểm riêng, một góc riêng về xã hội Nhật, nhưng nhìn chung tất cả các tác phẩm của họ đều gây ra rất nhiều tranh cãi trên văn đàn bởi họ chịu sự ảnh hưởng ít nhiều của chủ nghĩa hiện thực phương Tây. Ngoài ra xuyên suốt các sáng tác của họ ta đều thấy sự côn đơn hiển hiện.

 Đối với cách nhìn của tôi thì Kawabata là xưa, Murakami Haruki & Banana Yoshimoto là nay.  

Kawabata Yasunari với tư cách nhà văn, ông truyền đạt một sự am hiểu văn hóa, đạo đức - mỹ học bằng một nghệ thuật độc nhất vô nhị, qua đó góp phần vào việc xây dựng cây cầu nối tinh thần giữa phương Đông với phương Tây. Kawabata Yasunari, với những tác phẩm hết sức khó hiểu, nhưng hiểu được rồi thì sẽ muốn đọc đi đọc lại nó :D. Có lẽ bởi sự lôi cuốn từ sâu thẳm những câu chữ chất chứa cả một nền văn hóa phương Đông ấy mà tác giả đã đạt giải Nobel văn học năm 1968. 

Nếu như Kawabata Yasunari dâng tặng độc giả những gì là tinh túy nhất, tươi đẹp nhất của nền văn hóa Nhật, thì Murakami Haruki & Banana Yoshimoto lại là những lời kể sống động và chân thật đến mức khó chấp nhận của xã hội đương đại, cái xã hội mã đã đẩy rất rất nhiều người Nhật đến con đường tự sát. Có một điều kỳ lạ ở đây là, Kawabata Yasunari luôn luôn phản đối cách kết liễu cuộc đời bằng tự sát, nhưng chính ông, chính ông lại tự sát bằng khí ga tại nhà riêng ở tuổi 72?

Murakami Haruki & Banana Yoshimoto luôn được xem là “chung chiếu” trên văn đàn, một nam một nữ nhưng cùng chọn chung một chủ đề về một bộ phận giới trẻ Nhật bế tắc trong xã hội ngột ngạt. Chủ đề chính là tình yêu, tình người và cả sự cô độc trong cuộc sống. 

 Nhật Bản của hôm nay, phải chăng là nơi người ta chứng kiến nỗi cô đơn của con người trong một xã hội hiện đại hãnh tiến và đầy ắp những giá trị vật chất, đã khiến các nhân vật của Haruki phải đi tìm nền tảng cuộc đời trong tình yêu và sự sống tự do, bình dị của cá nhân. Với những trang viết không kiêng dè, sex và chất thơ của sex, Murakami đã phá vỡ địa hạt cấm cuối cùng, để cho cái nhìn phóng khoáng và tự nhiên về xác thân của phương Tây tràn ngập trong văn ông. Và cùng với Rừng Nauy, ông bắt đầu thổi sinh khí cho nền văn chương ưa thuần túy tinh thần của Nhật Bản.

Cũng với chủ đề ấy, Yoshimoto Banana có khả năng nắm bắt và diễn tả đặc biệt tinh tế những cung bậc, sắc màu cảm xúc khác nhau, những vẻ đẹp mong manh thoáng qua trong cuộc sống. Chính vì vậy, ngay cả khi viết về những chủ đề như loạn luân, tình dục đồng giới..., tác phẩm của cô không hề gợi lên cảm giác ghê tởm, cũng không tỏ thái độ khuyến khích hay thứ tha. 

Yoshimoto nhìn nhận những điều không thường ấy bằng con mắt điềm tĩnh của người quan sát và thái độ xót thương dành cho thân phận con người. Với Yoshimoto, những điều vốn được khép vào phạm trù đạo đức ấy cũng giống như cái chết của một người thân yêu, sự tan vỡ của một mối tình... Tất cả, chỉ giản đơn, là những thương tổn tinh thần chi phối sâu sắc tới cuộc đời của mỗi con người.  

Nhìn chung đọc các tác phẩm ấy – sau những u buồn ấy, tôi lại thấy rõ được những gì mình đang có, biết rằng mình đang rất hạnh phúc và rồi nếu một ngày nào đó, có điều gì đó khiến tôi trở nên buồn đau thì sẽ nghĩ lại những câu chuyện kia để mà vượt qua chính bản thân mình. Xã hội luôn là vậy, luôn có người thế này và thế khác, giống như kết cục của Rừng Nauy: Đối diện cuộc đời, Naoko đã lựa chọn cái chết, còn Toru, chàng trai đó đã chọn sự sống, khi bắt đầu tình yêu mới với Midori

Đăng nhận xét

0 Nhận xét