Nghề dạy học: Một lựa chọn lớn lao và khiêm nhường.

Hôm nay, Thầy của mình nói chuyện với mình một chút ... Thầy mình đương nhiên làm nghề giáo ... và bản thân mình cũng làm Nghề giáo, nên câu chuyện Thầy Trò lúc nào cũng gần gũi thân tình và đầy nhiệt huyết xoay quan chuyện Dạy Học. Cuối câu chuyện vẫn là kết luận

Người ta chọn đi dạy vì đam mê .... 

Như vị Giáo Sư John Vũ đáng kính đã nói  

Nghề dạy học: Một lựa chọn lớn lao và khiêm nhường. 

Không ai chọn nghề dạy học để  làm giàu. Chúng ta chọn nghề này vì muốn thế hệ tiếp theo trở nên tốt hơn, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 



Thật lòng mình đã chọn nghề dạy học vì mình Yêu việc dạy, dù lúc sơ khai mình chưa hiểu tại sao mình Yêu nó. Nhưng càng dạy học mình càng THẤM hơn. Nghề dạy học sẽ đặt lên vai chúng ta những gánh nặng - đó là trách nhiệm và tầm nhìn. Những điều mà ta giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến số phận của nhiều học trò, những người tạo nên tương lai của quốc gia. 

Là thầy cô giáo, chúng ta muốn truyền đạt tới các thế hệ sau những gì tốt đẹp mà chúng ta được thừa hưởng từ các thầy cô giáo của mình. Chúng ta hàm ơn sâu sắc đến mọi nguồn tri thức mà ta tiếp cận trên đường đời, để biết biển học là vô bờ và chúng ta là hữu hạn. Chúng ta quyết định theo nghề giáo như các thầy cô của mình không phải để đền đáp công ơn dạy dỗ của họ, mà vì ý thức trách nhiệm, sự thôi thúc từ bên trong dẫn đến lựa chọn sứ mệnh dạy học. 

Dạy học luôn là một nghề có nhiều thử thách vì chúng ta phải đối diện với nhiều chướng ngại. Chúng ta phải truyền động lực cho những học trò mất lửa trong học tập. Chúng ta cũng phải dành nhiều giờ để soạn giáo án, soạn bài lab, soạn quiz, lên kế hoạch giảng dạy, chấm điểm, viết nhật ký lớp học ... Chúng ta chấp nhận một mức lương khiêm tốn, chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn theo nghề vì tình thương yêu học trò và niềm tin đối với sứ mệnh giáo dục! 

Chúng ta chia sẻ với học trò niềm say mê tri thức và hy vọng rằng các em cũng sẽ có niềm say mê đó. Chúng ta không ngừng học thêm những điều mới để truyền đạt lại cho học trò vì chúng ta muốn các em tiếp thu những tri thức được cập nhật. 

Là thầy cô giáo, chúng ta không chỉ dạ kiến thức từ sách vở mà còn dạy hiếu nghĩa, luân lý và đạo đức. Đơn giản vì chúng ta muốn học trò của mình có một nền tảng tốt để tư duy độc lập thông qua việc khám phá phân tích, học cách hội nhập, ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Thành tích không phải là mục đích của giáo dục, dạy học sinh thành nhân trước khi thành tài mới là điều cốt lõi. Bằng cách đó, giáo dục mới có thể tạo nên những công dân có trách nhiệm và có ích cho cộng đồng. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét